‘Mở quạt, cởi trần giữa trưa Đà Lạt’
Buổi trưa ở Đà Lạt, cảm giác rất nóng bức, ngột ngạt khi nhiệt độ lên tới 30-31 độ C khiến tôi phải cởi trần, mở quạt trong khách sạn.
Tôi mới trở lại Đà Lạt cách đây một tháng sau gần 15 năm. Trong cảm nhận của tôi, Đà Lạt giờ đây có quá nhiều những khung cảnh nhân tạo. Những nét hoang sơ, mộc mạc không có có thể cảm nhận một cách dễ dàng nữa. Từ Suối Mơ đến Thung lũng Tình yêu, đi đâu tôi cũng thấy những dấu vết nhân tạo – điều mà có lẽ tôi có thể chỉ cần tới Suối Tiên, Đầm Sen ở TP HCM là có thể tìm được chứ không cần phải mất công lên tới Đà Lạt. Thậm chí, những tiểu cảnh, tượng đài tại đó còn đẹp hơn gấp nhiều lần những công trình chắp vá mỗi nơi một kiểu như trên Đà Lạt.
Buổi trưa trong thành phố, cảm giác rất nóng bức, ngột ngạt khi nhiệt độ lên tới 30-31 độ C, chẳng khác Sài Gòn là mấy. Tôi phải cởi trần và mở quạt trong phòng khách sạn vì thấy quá nóng. Và có lẽ, cứ đá này, chỉ vài năm nữa, các khách sạn, nhà nghỉ tại nơi đây sẽ phải tính chuyện lắp thêm điều hòa để phục vụ khách du lịch lưu trú.
Điều này một phần do mật độ bê tông tại đây quá dày đặc. Nhưng cũng là buổi trưa ấy, nếu đến hồ Tuyền Lâm hoặc Đồi thông hai mộ, tôi thấy bầu không khí mát mẻ và dễ chịu hơn hẳn, y chang những gì tôi còn nhớ về Đà Lạt của 15 năm. Nghĩa là việc xây dựng, quy hoạch tại trung tâm thành phố Đà Lạt đang không ổn, gây mất cân bằng đến hệ sinh thái.
Nói về khung cảnh, nếu thích các công trình bê tông hiện đại, các tòa nhà chọc trời thì có lẽ tôi và nhiều người khác sẽ chọn ở lại Sài Gòn thay vì lên Đà Lạt. Còn với du khách nước ngoài, có những thứ họ cảm thấy mới lạ vì nước họ không có, hoặc có thể họ khen xã giao cho chúng ta vui, nhưng chắc chắn những thứ đó sẽ không thể bền vững và đủ sức níu chân du khách được lâu.
>> ‘Không còn nhận ra Đà Lạt của 30 năm trước’
Tôi cũng từng đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… và thú thật về cảnh đẹp thiên nhiên, các nước đó không thể đẹp, cổ kính, bằng ở ta. Đó mới là thứ khiến Việt Nam trở nên đặc biệt trong mắt du khách quốc tế.
Đặc biệt, về ẩm thực, thực sự đồ ăn, thức uống ở Đà Lạt giờ đây khá tệ. Dạo một vòng thành phố, tôi chỉ thấy có mấy món đơn giản như bánh tráng nướng, sữa đậu nành. Còn lại, khắp nơi chỉ toàn là mấy món theo trào lưu của giới trẻ bây giờ, nghe tên thì lạ, nhưng ăn vào lại chẳng giống ai.
Đối với tôi, hai thứ quan trọng nhất trong những chuyến du lịch là “ăn” và “chơi”. Trong đó, chữ “ăn” đứng trước chữ “chơi” cũng có lý do của nó. Thế nên, tôi khá bất ngờ vì những quán ngon ngày xưa ở Đà Lạt nay đã không còn có thể tồn tại và cạnh tranh được với những hàng quán bắt trend bây giờ. Ngay cả những món ăn có thương hiệu, ngon nhất, nhì của Đà Lạt như hủ tiếu, bánh mì… giờ cũng chỉ gọi là bình thường chứ không quá hấp dẫn.
Nói vậy để thấy, Đà Lạt đang đánh mất đi những thứ vốn làm nên thương hiệu của mình trong mắt du khách. Sẽ còn ai nhớ đến một Đà Lạt ít sương mù, nắng nóng như dưới đồng bằng, toàn các công trình nhân tạo và đồ ăn theo trào lưu lai căng mỗi nơi một ít? Đó là sẽ bài toán không dễ giải cho những người làm du lịch tại Đà Lạt nói riêng và cho cả ngành du lịch Việt nói chung.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- ‘Tô son trát phấn’ cho Đà Lạt
- ‘Đà Lạt chỉ đẹp khi còn rừng và hoa’
- ‘Sa Pa, Đà Lạt lạc lối vì đánh đổi hoang sơ’
- Ai đến Sa Pa, Đà Lạt khi na ná Hà Nội, Sài Gòn?
- Ai quay lại nếu Sa Pa, Đà Lạt mãi cũ kỹ?
- ‘Không chụp nổi tấm ảnh Sa Pa, Đà Lạt thơ mộng’
Responses