Hội nghị “Giới thiệu các tiêu chuẩn ngành du lịch Halal và giao lưu, kết nối hợp tác với các công ty lữ hành Ấn Độ”
Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Trung Kiên phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, thông tin: Ấn Độ là một trong những thị trường khách tiềm năng của du lịch Lâm Đồng và đã trở thành một trong 10 thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm đến Lâm Đồng. Đối với thị trường Ấn Độ, Đà Lạt – Lâm Đồng hiện đang nổi lên một điểm đến du lịch hấp dẫn, với vẻ đẹp tự nhiên, lịch sử đậm nét và văn hóa ẩm thực đa dạng.
Các doanh nghiệp Lâm Đồng trao đổi thông tin
Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh; cùng nỗ lực chung của chính quyền và các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ, tỉnh Lâm Đồng đón tiếp các đoàn công tác Ấn Độ với hơn 150 đối tác, doanh nghiệp đến khảo sát các dịch vụ tại tỉnh Lâm Đồng; tổ chức các chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương và giao lưu, ký kết nhiều biên bản hợp tác phát triển du lịch giữa doanh nghiệp 2 địa phương… Chính vì vậy, Hội nghị hôm nay sẽ tạo ra những cơ hội nhằm mở rộng khai thác thị trường Ấn Độ tiềm năng; mở rộng tour, tuyến du lịch đến Ấn Độ; định hướng đầu tư hạ tầng phù hợp tiêu chuẩn của ngành du lịch Halal nói chung và yêu cầu của khách Ấn Độ nói riêng…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu chào mừng
Phát biểu chào mừng, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ghi nhận sự chủ động kết nối của các Sở, ngành, địa phương, Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng – Đà Lạt, các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ tỉnh Lâm Đồng với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp của Ấn Độ, để hai bên triển khai quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng các tour, tuyến liên kết các điểm đến nhằm khai thác mạnh mẽ hơn thị trường khách du lịch hai chiều.
Để khai thác thị trường Ấn Độ với những đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng, thói quen sinh hoạt khác biệt, đòi hỏi phải có những dịch vụ và tiêu chuẩn hết sức khắt khe. Phó Chủ tịch hy vọng Hội nghị hôm nay sẽ trở thành cầu nối, mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm đối tác, thiết lập các mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp du lịch của tỉnh với các doanh nghiệp du lịch của Ấn Độ. Ông cũng mong, với sự đồng hành, kết nối của Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới sẽ giúp du lịch của tỉnh Lâm Đồng tiếp cận với ngành du lịch Halal và thị trường Ấn Độ, từ đó mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế, góp phần vào sự phát triển du lịch của tỉnh và đạt những bước tiến mới trong tương lai…
Lãnh sự – Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh Ma-hesh Chand Gi-ri phát biểu
Phát biểu tại Hội nghị, ông Ma-hesh Chand Gi-ri, Lãnh sự – Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, sơ lược lại quan hệ hợp tác Việt Nam – Ấn Độ. Ông nhấn mạnh chuyến thăm Ấn Độ mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính (30/7-1/8/2024) đã nâng tầm quan hệ hợp tác Việt Nam – Ấn Độ. Bên cạnh đó, ngành du lịch đóng vai trò quan trọng để trao đổi các giá trị với nhau và có tác động lớn đến nền kinh tế. Việc đơn giản hoá visa và gia tăng các chuyến bay cũng giúp gia tăng lượng du khách Ấn Độ sang Việt Nam. Các đơn vị lữ hành Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến người dân Ấn Độ. Vì vậy, ông cũng mong muốn các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam sẽ quảng bá hình ảnh Ấn Độ đến người dân Việt Nam, với nhiều hình ảnh đặc trưng của các loại hình du lịch: leo núi, tắm biển, tâm linh, văn hoá, lễ hội, chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh… Ông Tổng lãnh sự khẳng định, cả hai bên đều có các doanh nghiệp lữ hành, và chúng ta hãy tận dụng các cơ hội này.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng – Đà Lạt Cao Thế Anh phát biểu
Theo ông Cao Thế Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng – Đà Lạt: Hiệp hội du lịch Lâm Đồng sẵn sàng đồng hành cùng các công ty lữ hành Ấn Độ nói riêng, các doanh nghiệp thương mại – đầu tư Ấn độ nói chung trong sự kết nối, tổ chức các hoạt động du lịch và thương mại giữa Lâm Đồng và Ấn Độ. Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng sẽ là cầu nối thông tin điểm đến Du lịch cho thị trường Ấn Độ thông qua các công ty Lữ hành Ấn Độ về khu điểm du lịch, nhà hàng khách sạn, dịch vụ vận chuyển, mua sắm du lịch và các dịch vụ khác một cách chi tiết, cập nhập và đầy đủ nhất.
Tuy nhiên, Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng – Đà Lạt và các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch Lâm Đồng cũng cần các thông tin về nhu cầu, đặc điểm và hành vi tiêu dùng của người Ấn trong du lịch để có sự chuẩn bị dịch vụ tốt nhất…
Trưởng đoàn Công ty Du lịch Ấn Độ A-bhi-neet Shuk-la phát biểu
Ông A-bhi-neet Shuk-la – Trưởng đoàn Công ty Du lịch Ấn Độ, cho biết: Mặc dù là thị trường du lịch với đa số du khách Hồi giáo, nhưng các vấn đề về ăn uống theo tiêu chuẩn Halal không phải là vấn đề chính đối với du khách Ấn Độ, mặc dù có các tiêu chuẩn liên quan đến ẩm thực, giao tiếp… Ông cho rằng, Hội nghị hôm nay đặc biệt quan trọng vì mọi người tập trung bàn luận về các tiêu chuẩn Halal, một khía cạnh quan trọng để thu hút khách du lịch Hồi giáo từ Ấn Độ và kết nối với các công ty lữ hành Ấn Độ. Đoàn lữ hành Ấn Độ tham dự Hội nghị với mục tiêu là hợp tác chặt chẽ với chính quyền Lâm Đồng và các bên liên quan địa phương khác để phát triển và quảng bá Lâm Đồng thành điểm đến hàng đầu cho khách du lịch Ấn Độ…
Tại chương trình, Đoàn Ấn Độ được nghe giới thiệu, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh và sản phẩm du lịch đặc trưng của Đà Lạt – Lâm Đồng. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được tìm hiểu tổng quan về ngành du lịch Halal; tiêu chuẩn và văn hóa của người theo đạo Hồi khi đi du lịch; các dịch vụ thân thiện với du khách theo đạo Hồi, các chương trình chứng nhận tiêu chuẩn Halal… Các đơn vị lữ hành của Ấn Độ mong muốn có thêm nhiều đường bay kết nối giữa Ấn Độ và các địa phương của Việt Nam, để rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai bên… Các doanh nghiệp Lâm Đồng và Ấn Độ cũng ký kết nhiều biên bản hợp tác…
Các doanh nghiệp Lâm Đồng và Ấn Độ ký kết hợp tác
Thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn xét về quy mô dân số Hồi giáo, với khoảng 1,94 tỷ người vào năm 2022, chiếm gần 1/4 dân số thế giới. Dân số Hồi giáo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức trung bình 1,5%/ năm, cao gấp đôi so với dân số phi Hồi giáo (0,7%/năm) và dự kiến sẽ đạt khoảng 2,8 tỷ người vào năm 2050. Theo dự báo, đến năm 2050, thế giới sẽ có 51 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028 nhờ tăng trưởng quy mô dân số Hồi giáo, mức chi tiêu, sự đa dạng về lĩnh vực và triển vọng tăng trưởng trong tương lai, với tốc độ khoảng 6-8%/năm.
Theo dalat.lamdong.gov.vn
Responses