Chuyến tàu hoàng hôn về miền di sản…
Ga Đà Lạt không chỉ là một nhà ga, mà còn là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và di sản
“Hành trình đêm Đà Lạt” là một sản phẩm du lịch mà ngành đường sắt đưa vào khai thác nhằm tiếp tục mang đến cho hành khách những trải nghiệm mới, cảm nhận vẻ đẹp của Đà Lạt về đêm, góp phần đa dạng dịch vụ và phát triển du lịch địa phương. Tuyến Đà Lạt – Trại Mát có chiều dài 6,7 km, là phần còn sót lại của tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt dài 84 km, nối Ninh Thuận với Lâm Đồng được đưa vào khai thác năm 1932, do người Pháp xây dựng từ những đầu thế kỷ 20.
Tuyến đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm từng là tuyến đường sắt răng cưa có cấu tạo độc đáo duy nhất tại Việt Nam
Theo tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt là một bộ phận của hệ thống đường sắt Đông Dương do người Pháp xây dựng từ năm 1898. Tuyến đường này có vai trò quan trọng trong việc góp phần thực hiện những dự định của người Pháp về việc xây dựng Đà Lạt trở thành một trung tâm nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lâm Viên…
Hình ảnh đầu máy hơi nước loại 230 mang số hiệu 306 khi còn đang vận hành vào năm 1967
Sau cuộc thám hiểm của bác sĩ Alexandre Yersin, Toàn quyền Paul Doumer quyết định xây dựng một TP Đà Lạt trên cao nguyên Lâm Viên phục vụ nhu cầu du lịch và nghỉ mát cho những người Pháp tại Đông Dương. Nhưng, giao thông Đà Lạt lúc đó còn gặp nhiều khó khăn. Để khai thác vùng đất này, người Pháp đã lên ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt từ vùng ven biển nóng bức Phan Rang, vượt núi đèo lên cao nguyên Lâm Viên mát mẻ để người Pháp có thể làm việc và nghỉ ngơi thuận tiện hơn.
Theo lệnh của toàn quyền Paul Doumer, tuyến đường sắt được khởi công năm 1908, dài 38 km giữa Tháp Chàm và Xóm Gòn; năm 1916, những chuyến xe lửa đầu tiên bắt đầu hoạt động mỗi tuần 2 chuyến. Năm 1917, tuyến đường sắt được nối dài đến tận Sông Pha (Krông Pha) – dưới chân đèo Ngoạn Mục. Năm 1922, Công ty Thầu khoán châu Á tiến hành xây dựng đường sắt nối Sông Pha tới Trạm Hành – Đà Lạt.
Năm 1928, 10 km khó khăn nhất giữa Krông Pha và đèo Eo Gió (Bellevue) được hoàn thành. Bốn năm sau, vào năm 1932, toàn tuyến được thông tàu và chính thức đi vào hoạt động, có tổng chiều dài 84 km. Tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được xây dựng trong vòng 30 năm từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thành (1902-1932), với tổng kinh phí xây dựng là 200 triệu Franc lúc bấy giờ.
Để vượt được địa hình đồi núi với những cung đường quanh co, mạo hiểm, người Pháp phải cho thiết kế kỹ thuật đường ray răng cưa và những bánh răng cưa lắp thêm vào trong đầu máy. Toàn tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt có 16 km đường sắt răng cưa không liên tục, vượt độ cao 1.500 m trên mực nước biển với độ dốc thường xuyên 12%. Xe lửa phải vượt qua 5 hầm, có hầm dài đến 600 m và nhiều cầu xe lửa khác. Đường sắt được vận hành bằng 11 đầu máy hơi nước hiệu Fuka của Thụy Sĩ…
Đường sắt răng cưa là một hệ thống đường sắt có thêm một đường ray đôi hình răng cưa chịu lực ở giữa ăn khớp với một bánh răng được lắp đặt bên dưới đầu máy, cung cấp lực kéo để đoàn tàu leo lên những sườn dốc cao, rất cao và giữ cho đoàn tàu không bị trượt khi xuống dốc hay đèo. Còn đầu máy xe lửa sử dụng công nghệ cổ điển, động cơ hơi nước chạy bằng than, tạo ra hơi nước được chuyển thành sức kéo 600CV-820CV (Chevaux Vapeur/Horse Power – mã lực). Vào lúc bấy giờ, đường sắt răng cưa và đầu máy răng cưa được coi là độc đáo nhất thế giới, chỉ có ở Thuỵ Sĩ và Việt Nam.
Mỗi ngày có hai đôi tàu chạy tuyến Đà Lạt – Tháp Chàm với ba toa khách, một toa tàu hàng và ngược lại. Tuyến xe lửa này còn kết nối với tuyến xe lửa đi Nha Trang và Sài Gòn. Hành khách bao giờ cũng đông với phần lớn là người Pháp và quan chức người Việt, nếu đi từ Sài Gòn sẽ mất khoảng nửa ngày để đến Đà Lạt. Tuy nhiên, tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt đã ngưng hoạt động từ năm 1972 do bị chiến tranh phá hủy.
Giữa năm 1975, tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được vận hành trở lại, nhưng chỉ chạy được đúng 7 chuyến từ Đà Lạt đến cầu Tân Mỹ (Ninh Sơn) thì bị dừng lại vì không hiệu quả kinh tế… Dù vậy, tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt đóng vai trò vận tải quan trọng trong lịch sử phát triển của Đà Lạt, là loại hình phương tiện vận tải hiệu quả, giá rẻ, có sức chuyên chở hành khách và hàng hóa rất lớn.
Tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt đã kết nối Đà Lạt với vùng duyên hải và trung tâm hành chính quan trọng khác, như Sài Gòn, Hà Nội… góp phần thúc đẩy trao đổi buôn bán và du lịch của vùng cao nguyên Lâm Viên. Tuyến đường sắt cũng trở thành động lực cho các làn sóng dân cư tới sinh sống và lập nghiệp ở Đà Lạt, giúp hình thành các cộng đồng dân cư dọc tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt. Đoạn xe lửa nối Đà Lạt với Trại Mát dài gần 7 km, được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đầu tư khôi phục và quản lý vận hành tàu du lịch là đoạn không có răng cưa do địa hình bằng phẳng.
Giờ đây, du khách đến Ga Đà Lạt không chỉ để đi tàu, ngắm nhìn đoạn đường sắt răng cưa nguyên bản còn sót lại và mô hình đầu máy hơi nước; mà còn được chiêm ngưỡng nhà ga cổ, đẹp nhất Đông Dương được xây dựng từ năm 1932. Ga Đà Lạt là một nhà ga đẹp, kiến trúc từ thời Pháp thuộc gần như còn nguyên vẹn với ba mái vút cao và dốc, xuất phát từ ý tưởng của hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Revéron, mang đậm chất phương Tây, nhưng cũng mang nét đặc trưng của những ngôi nhà rông Tây Nguyên và đỉnh núi Lang Biang.
Nhà ga được chia thành ba khu vực, mỗi khu vực đều có kích thước đẹp mắt với cửa sổ kính màu và trần hình vòm. Công trình nhà Ga Đà Lạt có cấu trúc mạch lạc, khoa học, song hình thức lại rất tinh tế, kiến trúc hài hoà với thiên nhiên, là điểm nhấn đặc sắc cho đô thị Đà Lạt, có giá trị đặc biệt về kiến trúc, văn hóa, được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2001…
Theo dalat.lamdong.gov.vn
Responses